BỆNH GÂY HẠI THƯỜNG GẶP Ở CÂY ỚT

BỆNH GÂY HẠI THƯỜNG GẶP Ở CÂY ỚT

Để có mùa vụ bội thu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân cần chuẩn bị đầy đủ cho mình kiến thức về cây trồng, đặc biệt là về các loại bệnh thường gặp trên cây. Dưới đây, VINO sẽ chia sẻ một số thông tin về bệnh gây hại thường gặp trên cây ớt.

1. Bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái - nổ trái)

Bệnh thán thư trên ớt

  • Triệu chứng bệnh

+ Vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ hơi lõm, trên bề mặt vỏ quả. Vết bệnh, thường có hình bầu dục hoặc hình thoi, mầu nâu đen hoặc màu vàng trắng bẩn, kích thước vết bệnh có thể trên dưới 1cm tuỳ thuộc vào giống ớt

+ Bệnh thán thư làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, đặt biệt làm thối quả, cây bệnh ít quả, kém năng suất và giá trị kinh tế, xuất khẩu. Đặc biệt bệnh thán thư hại ớt cả trong thời kỳ bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt giống.

  • Tác nhân gây bệnh

Về điều kiện sinh thái của nấm gây bệnh, chúng đều sinh trưởng phát triển thích hợp ở nhiệt độ 28 – 30C và ẩm độ cao. Đặc biệt bào tử nấm thán thư có sức sống cao, có khả năng chịu đựng khô hạn, dễ dàng phát tán nhờ gió và côn trùng. Tàn dư cây ớt bị nhiễm bệnh và hạt giống cũng là những con đường truyền lan bệnh chủ yếu trong tự nhiên.

  • Biện pháp phòng trị

+ Xử lý hạt giống bằng KMnO4 (0,1%) trong 1 giờ hoặc xử lý nước nóng 52oC trong 2 giờ.

+ Gieo trồng ớt ở mật độ thích hợp.

+ Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ.

+ Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 - 3 năm.

+ Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.

+ Tránh trồng ớt trong mùa mưa. Nếu ớt gặp mùa mưa, xem cách chăm sóc và phòng trừ bệnh thán thư trên ớt trong mùa mưa.

+ Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, ... nồng độ 0,2 - 0,5% khi bệnh gây hại.

+ Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt

+ Để phòng trừ nấm gây bệnh thán thư ớt, cần sử dụng kịp thời một số thuốc trừ bệnh chủ yếu sau: Thuốc Antracol 70WP (liều lượng 2kg/ha) phun trực tiếp lên lá, cây hoặc quả khi bệnh mới xuất hiện. Thuốc Antracol 70WP ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán thư còn có tác dụng bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp. Nhờ có vi lượng kẽm, thuốc Antracol 70WP còn phòng trừ rất tốt bệnh vàng lá.

+ Có thể phun luân phiên thuốc Antracol 70WP (1.5 – 2 kg/ha) với thuốc Nativo 750WG (liều lượng 0,12kg/ha), nhờ tác động kép giữa 2 hợp chất trừ bệnh của thuốc Nativo 750WG giúp cây ớt phòng trừ được tất cả các bệnh nấm hại cây và quả ớt kéo dài.

+ Ngoài 2 loại thuốc trên, người sản xuất cũng có thể dùng luân phiên với thuốc Melody DUO 66,75WP với liều lượng theo khuyến cáo (1kg/ha).

2. Bệnh đốm trắng lá

Bệnh đốm trắng lá trên cây ớt

  • Triệu chứng bệnh

+ Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bánh tẻ đến lá già.

+ Vết bệnh lúc đầu nhỏ có màu xanh đậm, sau đó vết bệnh lớn dần vết bệnh có màu trắng, viền màu nâu đậm. Bệnh nặng làm cho lá rụng sớm, giảm năng suất, trái nhỏ. Bệnh ít hoặc không tấn công trên trái.

  • Biện pháp phòng trị: Khi thấy bệnh nặng phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 WP, FOLPAN 50SC ... nồng độ 0,2 - 0,4%

3. Bệnh héo tươi

Bệnh héo tươi trên cây ớt

  • Triệu chứng bệnh

+ Bệnh gây hại nặng ở vùng trồng ớt trong suốt mùa mưa trong vùng khí hậu nhiệt đới.

+ Bệnh xảy ra rải rác trên từng cây hoặc từng nhóm cây ở giữa ruộng. Triệu chứng đầu tiên trên cây già các lá bên dưới bị héo nhẹ; nhưng ở cây con thì các lá non bị héo trước. Sau vài ngày cây bất thình lình héo nhanh nhưng lá không vàng. Chẻ thân ở phần gốc và rễ ta thấy các mạnh nhựa biến thành màu xám đất đến nâu nếu nhúng phần bị cắt vào nước ta sẽ thấy dòng vi khuẩn tuôn ra có màu trắng sữa.

  • Biện pháp phòng trị

+ Lên líp cao thoát nước tốt, bón vôi.

+ Luân canh không trồng họ cà ớt trên ruộng bị nhiễm nặng 2 - 3 năm.

+ Tưới nước Copper zinc 85WP, Starner 20WP... 0,5 - 1% vào gốc cây mới bị bệnh.

+ Nhổ và tiêu huỷ các cây bị bệnh nặng để tránh lây lan.

4. Bệnh thối đọt non

Bệnh thối đọt non

  • Triệu chứng bệnh

+ Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc gặp khi thời tiết ẩm có nhiệt độ khá cao.

+ Bệnh thường gây hại trên hoa, chồi hoa, hoặc các nhánh non của cây.

+ Mô cây nơi bị nhiễm bệnh co màu nâu đen đến đen, và nấm lan nhanh xuống phần dưới, làm phần đọt bị chết và thối mềm ra. Trong điều kiện ẩm độ cao nơi phần bị thối ta thường thấy có tơ nấm màu trắng và tận cùng có phình tròn màu đen.

  • Biện pháp phòng trị

+ Không trồng ớt quá dày, làm cỏ tạo cho ruộng ớt thông thoáng.

+ Tránh trồng ớt vào mùa mưa.

+ Liếp phải cao và thoát nước tốt.

+ Không tưới nước quá đẩm vào chiều mát khi có bệnh xuất hiện.

+ Phun thuốc Score 250 EC, FOLPAN 50SC ... nồng độ 0,2 - 0,5% khi bệnh gây hại nặng

5. Bệnh khảm

Bệnh khảm trên cây ớt

  • Triệu chứng bệnh

+ Bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái trở về sau, bệnh gây hại nặng trong mùa nắng nóng và nhẹ trong mùa mưa.

+ Bệnh thường làm lá đọt nhỏ, xoắn lại, lá không phát triển, lóng ngắn, cây trở nên giòn dễ gãy. Bệnh nặng cây còi cọc, hoa bị vàng nhỏ và rụng, cây rất ít trái, trái nhỏ và vặn vẹo. Cuối cùng cây có thể bị chết.

  • Biện pháp phòng trị

+ Không sử dụng nguồn giống ở những ruộng bị bệnh.

+ Bón phân cân đối và tăng cường thêm lượng phân chuồng hoai mục để tăng khả năng chống chịu được bệnh.

+ Phun thuốc trừ nhóm côn trùng chích hút bằng thuốc ACTARA 25WG, VERTIMEC 1.8 ND.

6. Bệnh mốc xám

  • Triệu chứng bệnh

+ Bệnh thường gây hại trên trái, nhất là trái non của ớt, dưa leo và mướp.

+ Trái thường bị thối từ chớp trái thối lên, trên vùng thối, bào tử nấm tạo thành lớp mốc xám. Trái bị thối khô tóp lại.

  • Tác nhân gây bệnh: Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.
  • Biện pháp phòng trị

+ Loại bỏ các trái bệnh để tránh lây lan.

+ Phun ngừa bằng TOPAN 70 WP (0,05 - 0,1%).

VINO cung cấp các loại hạt giống ớt với những đặc tính nổi trội như kháng virus rất tốt, cây sinh trưởng rất khỏe, cứng cây, trái nhiều, màu sắc đẹp,...Chi tiết xem tại đây

VINO mong rằng những thông tin trên sẽ ít nhiều giúp bà con nông dân có thêm hiểu biết về bệnh gây hại trên cây trồng nhà mình, để có thể phòng ngừa và ngăn chặn bệnh kịp thời.

Tin khác