ĐBSCL: Hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016

ĐBSCL: Hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016

Theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ gay gắt hơn đợt mặn lịch sử xảy ra năm 2016 và thời gian cao điểm bắt đầu từ tháng 2 cho đến tháng 6/2020. Thế nhưng, mới bước sang tháng 2/2020 mà nhiều địa phương phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, khi nước mặn nhiều nơi đã ăn sâu vào nội đồng làm cho hàng ngàn héc-ta lúa “chết khát” và đẩy người nông dân vào cảnh khốn đốn. Một số tỉnh ĐBSCL như tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Dù các địa phương đã rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn trước đây nhưng vẫn không tránh được thiệt hại.

Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

  • Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành để đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
  • Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hỗ trợ cho 5 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống hạn, mặn, phục vụ đời sống nhân dân.
  • Hiện nay, tại Kiên Giang và một số tỉnh ĐBSCL, hệ thống quan trắc, áp dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý và phân phối nước phục vụ sản xuất đã được ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt. Với canh tác lúa, hệ thống quan trắc giúp theo dõi và gửi dữ liệu về chỉ số pH, độ mặn lên hệ thống dữ liệu mỗi 15 phút. Bà con có thể theo dõi dữ liệu trên ứng dụng di động và website mọi lúc mọi nơi.
  • Đối với canh tác lúa:

+ Bà con cần hết sức thận trọng, theo dõi độ mặn nước trước khi đưa nước vào ruộng lúa.

+ Những vùng khí hậu khắc nghiệt nên đưa giống lúa lai vào sản xuất để tăng khả năng chống chịu, thích ứng.

  • Đối với canh tác cây ăn quả:

+ Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này.

+  Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái.

+ Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,…

+ Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+.          

+ Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn hoặc lấy nước vào vườn.

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn

Trưởng phòng thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, sau đó có xu thế giảm dần đến cuối tháng 3; xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

VINO mong rằng bà con nông dân sẽ có những giải pháp chống lại hạn mặn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguồn: Tổng hợp.

Tin khác