TÂY NGUYÊN: PHÒNG CHỐNG CHÁY RỪNG Ở ĐỈNH ĐIỂM MÙA KHÔ 2020

TÂY NGUYÊN: PHÒNG CHỐNG CHÁY RỪNG Ở ĐỈNH ĐIỂM MÙA KHÔ 2020

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm hơn mọi năm, mùa khô năm nay cũng đến sớm hơn. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, dự báo thiếu nước tưới cho cây trồng, nguy cơ cháy rừng cao.

Đặc biệt, nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở vùng Đông Trường sơn, nơi có diện tích rừng trồng lớn, rất dễ bắt lửa nếu bất cẩn. Do vậy khuyến cáo người dân nên hết sức cẩn trọng trong việc đốt nương làm rẫy, đốt dọn thực bì hoặc săn bắt mật ong rừng trong mùa khô...

Ứng phó trước tình hình trên, UBND các tỉnh Tây Nguyên cùng người dân nơi đây đã có những biện pháp để phòng chống và giảm thiểu nguy cơ cháy rừng:

  • Tại Gia Lai, công tác chuẩn bị đã được xây dựng từ sớm, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, Ban Quản lý RPH Nam Sông Ba cùng một số huyện, xã khác đã lập chốt trực 24/24 giờ ở các khu vực dễ cháy; thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động và lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp dân về phòng cháy chữa cháy rừng, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tập huấn công tác PCCCR luôn được đặt lên hàng đầu; ngoài ra còn chuẩn bị lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra...
  • Tại Lâm Đồng, UBND  tỉnh chỉ đạo ngành kiểm lâm, chủ rừng đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp với chính quyền, tăng cường và thực hiện các giải pháp quyết liệt trong quản lý, bảo vệ, nhất là tại vùng rừng giáp ranh và vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Bên cạnh đó, yêu cầu lực lượng quản lý rừng địa bàn, thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức tuần rừng, canh gác, kịp thời ngăn chặn, xử lý.
  • Tại Đắk Lắk, sau khi tiến hành kiểm tra xác định các khu vực rừng dễ bị cháy theo mức độ tỉnh phân bổ lực lượng triển khai công tác PCCR và xây dựng phương án, xử lý tình huống nếu xảy ra cháy. Tỉnh cũng thành lập các ban chỉ đạo PCCR từ tỉnh đến cơ sở, để khi xảy ra tình huống cháy rừng là có thể ứng cứu kịp thời.
  • Người dân các địa phương nơi đây đều được tuyên truyền nâng cao ý thức về PCCR, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, tài nguyên quốc gia, và kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, cái khó và khâu yếu trong triển khai phương án PCCR ở Tây Nguyên lâu nay vẫn là thiếu kinh phí, thiếu phương tiện, trang thiết bị và khan hiếm nguồn nước để chữa cháy khi xảy ra tình huống. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên cũng kiến nghị Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án hỗ trợ các địa phương trong vùng về kinh phí, trang thiết bị, công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nguồn: tổng hợp.

Tin khác