Thảm họa kép của nông nghiệp châu Phi

Thảm họa kép của nông nghiệp châu Phi

Gần 250 triệu người dân châu Phi sống trong cảnh không có đủ lương thực, giờ đây, họ còn phải hứng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Những người bán hành, cà chua rong trên vỉa hè ở Lagos, Nigeria. Ảnh: AP.

Trong đợt ra quân trước bình minh tại Zimbabwe, lực lượng cảnh sát thực thi các quy định phong tỏa liên quan virus corona bằng cách tịch thu và thiêu hủy 3 tấn hoa quả, rau củ tươi.

Họ cầm dùi cui ngăn một nhóm nông dân vi phạm lệnh hạn chế đi lại. Nhóm nông dân đã hành trình xuyên đêm để đưa số nông sản quý giá trên tới một trong những khu chợ đông đúc nhất quốc gia châu Phi này.

Nông sản bị tiêu hủy, nhóm nông dân trắng tay ra về. Đây là khoảnh khắc gây sốc đối với một quốc gia, một lục địa đang thiếu nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm và là ví dụ điển hình cho thấy việc phong tỏa để ngăn virus corona lây lan có thể bóp nghẹt ngành nông nghiệp dễ tổn thương của châu Phi.

Virus corona bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019 và hiện lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 15/4, tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên thế giới là hơn 2.000.000 và gần 129.000.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), trước khi virus corona xuất hiện tại châu Phi, cứ 5 người thì có một người không đủ lương thực. Khoảng 25% dân số vùng châu Phi hạ Sahara bị suy dinh dưỡng.

“Con số này cao gấp đôi mọi khu vực khác”, Sean Granville-Ross, giám đốc phụ trách châu Phi tại cơ quan cứu trợ Mercy Corps, nói. “Với các lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới và hạn chế khả năng tiếp cận thực phẩm, tác động từ đại dịch Covid-19 lên châu Phi sẽ lớn chưa từng có”.

Các lệnh phong tỏa thiếu quy định hỗ trợ người nghèo “có thể ảnh hưởng rất, rất nhiều đến chúng tôi”, Lola Castro, giám đốc khu vực miền nam châu Phi của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cảnh báo.

Khu ổ chuột Kibera ở Nairobi, thủ đô Kenya, đang trong thế khốn cùng. Tuần trước, hàng nghìn người tuyệt vọng tranh giành thực phẩm cứu trợ tại một điểm phân phát đã dẫn đến tình trạng giẫm đạp.

WFP đang “nuôi” hàng triệu người ở châu Phi, chủ yếu là vùng nông thôn. Họ phải chịu hàng loạt thảm họa như lũ lụt, hạn hán, xung đột vũ trang, chính quyền yếu kém, thậm chí là nạn châu châu. Đại dịch Covid-19 chồng thêm một lớp khó khăn nữa.

Với Sudan, lệnh phong tỏa đang cản trở nhân viên cứu trợ tiếp cận khoảng 9,2 triệu người nghèo khổ, Liên Hợp Quốc cho biết.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất hàng chục năm đang đe dọa khoảng 45 triệu người dân tại những khu vực đói kém ở miền nam châu Phi, nơi nông dân vẫn đang trong quá trình phục hồi sau hai trận bão lớn tàn phá Mozambique, Zimbabwe và Malawi năm ngoái.

Somalia, một trong những quốc gia mỏng manh nhất thế giới, chật vật trong việc đưa lương thực tới người dân sống trong các khu vực bị lực lượng cực đoan kiểm soát.

Hai tháng trước, Somalia tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với đợt bùng phát châu chấu sa mạc, tàn phá hàng nghìn hecta lương thực và đồng cỏ. 20 triệu người đối mặt nguy cơ khan hiếm thực phẩm tại Đông Phi. Các đàn châu chấu đang dần quay trở lại, với quy mô lớn hơn.

Tại vùng Sahel, Tây Phi, gần 30 triệu người khó tìm kiếm thức ăn, Granville-Ross nói. Trên hết, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo Covid-19 có thể tạo ra “khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng ở châu Phi”.

Ngoài ra, WFP còn đang chăm lo cho trẻ em châu Phi thông qua chương trình bữa ăn học đường. Vài tuần sau khi Covid-19 lan tới châu Phi, hàng loạt trường học đã đóng cửa, khiến 65 triệu trẻ em hiện thiếu bữa ăn.

Với nhiều người dân châu Phi, lo ngại của họ hiện tại không phải virus corona mà là làm thế nào để tồn tại trong thời gian phong tỏa.

Ngườì dân Zimbabwe nhận hàng cứu trợ từ tổ chức từ thiện tại thành phốChipinge. Ảnh: Reuters.

“Hầu hết người dân châu Phi làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức và phải ra ngoài hàng ngày”, Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói. “Tôi nghĩ trên hết là khả năng tiếp cận thực phẩm”.

Virus corona đang lây lan tương đối chậm ở châu Phi, số ca nhiễm và tử vong không tăng mạnh như nhiều nước châu Âu, châu Á và Mỹ. “Lục địa Đen” hiện có hơn 15.000 ca nhiễm, 815 trường hợp tử vong trong tổng số 1,5 tỷ dân, dù số liệu này có thể còn thiếu sót.

Người dân châu Phi không trông chờ được nhiều vào chính phủ nước họ. Nhiều nước đang chìm trong nợ công, dự trữ ngoại hối thấp. Giá dầu và khoáng sản đi xuống đồng nghĩa nguồn thu xuất khẩu không còn đáng kể.

Trên một tuyến phố ở Harare, thủ đô Zimbabwe, Eugene Wadema lững thững tìm cách về quê nhà cách đó 300km. Vài ngày trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, giá thực phẩm tăng mạnh khiến nhiều người dân Zimbabwe không thể mua.

“Một bịch khoai tây giờ có giá 40 USD. Hôm qua, giá bán chỉ là 15 USD”, Wadema, 23 tuổi, nói. Quê nhà cô là một trong những nơi vẫn được cứu trợ thực phẩm nhưng không rõ trong bao lâu.

Phía sau Wadema là chồng đang bế em bé và hai đứa trẻ song sinh 5 tuổi đeo túi chứa quần áo, chăn. Hành trang của họ không có đồ ăn.

“Nếu có đồ ăn, chúng tôi đã không phải rời đi”, cô nói.

Theo NNVN

Tin khác