Đầu tư công nghệ cho hạt giống

Đầu tư công nghệ cho hạt giống

 
Công ty Vino giới thiệu đặc tính giống mới và tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân tại Trung tâm nghiên cứu của công ty.

 

Công ty hạt giống Việt Nông (Vino) là một trong số ít công ty ngoài quốc doanh “dám” dành 20% tổng doanh số để đầu tư cho công nghệ sản xuất hạt giống. 
 

Chỉ với 3 thành viên trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp và một tham vọng táo bạo về việc phát triển ngành giống rau màu cho nền nông nghiệp nước nhà, Ban Giám đốc Công ty Vino đã trải nghiệm hầu hết những khó khăn của những người nông dân thứ thiệt: Từ trăn trở về hạt giống, cây trồng, đồng ruộng trong mùa khô hạn cũng như khi mưa bão cho đến việc liệu đại lý có chấp nhận phân phối những hạt giống mới không tên tuổi…
Tháng 12.2006, 6 tháng sau khi thành lập, Công ty Vino đã thuyết phục được một đại lý lớn chuyên phân phối hạt giống chấp nhận hạt giống khổ qua của mình. Tháng 10.2008, Vino thành lập đội ngũ nhân viên thị trường am hiểu về giống, kỹ thuật đồng ruộng để hỗ trợ bà con nông dân.

Chiếm lĩnh 10% lượng giống 

Giám đốc Công ty Vino Trần Xuân Trường cho biết, từ năm 2007 đến nay, công ty đã chọn tạo và giới thiệu thành công ra thị trường 29 giống rau màu mới, trong đó có 21 giống lai F1 và 8 giống thụ phấn tự do. Trung bình mỗi năm, bộ phận Nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty đã chọn tạo và giới thiệu thành công khoảng 5 giống lai F1 và 2 giống thụ phấn tự do. Tổng sản lượng hạt giống do công ty Vino sản xuất trong năm 2011 là 103 tấn, chiếm hơn 10% lượng giống rau màu được sản xuất trong nước.

Có được thành quả trên, công ty đã đưa vào hoạt động 2 trung tâm nghiên cứu với tổng diện tích 14 ha, bao gồm: trung tâm chọn tạo giống mới và trung tâm sàng lọc nguồn gene, nguồn nguyên liệu giống cây trồng kháng bệnh. Công ty hiện đang xúc tiến các thủ tục để xây dựng phức hợp trung tâm nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới với diện tích 20 ha tại Trung tâm sinh học công nghệ cao tỉnh Đồng Nai, dự kiến đi vào hoạt động trong Quý 4/2013.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, Vino đã tiến hành đăng ký bảo hộ bản quyền cho 3 giống mướp đắng (ViNo 04, ViNo 08 và ViNo 606) và 01 giống bí đỏ hạt đậu (ViNo 07). Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện công tác chọn tạo các giống nhập nội tốt, phù hợp với điều kiện canh tác trong nước để đưa vào sản xuất, điển hình như: giống ngô nếp tím dẻo 926, giống ngô nếp Victory 924, giống dưa leo lai F1 The Hunter 1.0… Tổng cộng, cho đến nay, công ty đã có 50 sản phẩm do hoạt động ươm tạo KH-CN và chuyển nhượng bản quyền quốc tế để đưa vào sản xuất và kinh doanh.

20% tổng doanh số đầu tư công nghệ mới

Để có được thành công như vậy, hàng năm công ty luôn dành một khoản kinh phí 15% tổng doanh số để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống mới và 5% cho công tác hiện đại hóa công nghệ sản xuất và chế biến hạt giống.

Từ năm 2009, công ty đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật với tập đoàn East-West Seed International (Hà Lan). Thông qua các hoạt động này, công ty đã chuyển giao và đưa vào áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng kháng bệnh và kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm; công nghệ xử lý và bảo quản hạt giống cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phả hệ nguồn gene giống cây trồng và quản lý toàn bộ hoạt động của hệ thống sản xuất.

Với tham vọng trở thành một trong ba công ty hạt giống rau màu hàng đầu Việt Nam và có sản phẩm ươm tạo đạt chất lượng xuất khẩu ra thị trường thế giới vào năm 2016, công ty đặt mục tiêu chọn tạo thành công các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao, chống chịu được điều kiện bất lợi của môi trường và áp lực sâu bệnh với 05 giống ngô lai mới, 24 giống rau màu mới (mướp đắng, dưa leo, bí đỏ, đậu bắp, giống rau muống...)

Hiện công ty đang nghiên cứu và ứng dụng một loạt công nghệ mới nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng hạt giống như công nghệ bao phủ hạt bằng polymer (seed coating) giúp tăng sức sống, hạn chế sự nhiễm bệnh trên hạt; công nghệ xử lý hạt qua hệ thống nhiệt (dry-heat treatment) giúp bất hoạt một số tác nhân virus gây bệnh trên hạt; công nghệ bảo quản hạt giống trong điều kiện kho lạnh với nhiệt độ và ẩm độ thích hợp giúp kéo dài thời gian bảo quản.

Theo thống kê của Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng nhu cầu hạt giống rau sản xuất, kinh doanh của cả nước mỗi năm vào khoảng gần 5.000 tấn, trong đó có hơn 4.000 tấn là nhập khẩu. Năm 2011, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 600 triệu USD nhưng cả nước đã phải bỏ ra gần 100 triệu USD chỉ để nhập khẩu hạt giống. Do đó, việc đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ công tác chọn tạo và sản xuất hạt giống rau màu nhằm nâng cao tỉ lệ giống nội địa, giảm tải nhập siêu, giảm giá thành và chủ động sản xuất là một nhu cầu tối thiết của ngành hạt giống rau màu nước ta.

Tin khác