Sơn La quyết tâm giành thắng lợi lớn vụ Đông xuân

Sơn La quyết tâm giành thắng lợi lớn vụ Đông xuân

Sơn La có diện tích đất canh tác lớn với nhiều vùng tiểu khí hậu là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng với sự đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi. Những năm gần đây, Sơn La đã và đang trở thành một “Hiện tượng nông nghiệp” khi được coi là vựa nông sản của miền Bắc.

Để tận dụng và gia tăng giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác; thâm canh tăng vụ, luân canh cây trồng – trồng xen, trồng gối vụ tăng diện tích cây trồng vụ Đông Xuân góp phần tăng thêm giá trị ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, các kế hoạch sản xuất cây trồng vụ đông 2020 của Sở NN-PTNT để người dân yên tâm tham gia mở rộng diện tích sản xuất.

Đối với công tác chuyên môn, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo, quản lý, giám sát, tổ chức hướng dẫn về cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất, thời vụ gieo trồng, các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại và các biện pháp phòng chống rét cho các loại cây trồng; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch sản xuất bảo đảm kịp thời, hiệu quả...

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng với các cơ quan chuyên môn thăm mô hình sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Hoàng Hiền

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng với các cơ quan chuyên môn thăm mô hình sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Hoàng Hiền

Việc triển khai Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2020 – 2021 có nhiều thuận lợi khi nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, các cơ quan ban ngành trong tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của bà con nhân dân, các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp ở địa phương hưởng ứng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các cơ quan chức năng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trở ngại khi việc sản xuất của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ thiếu sự tập trung, một số vùng còn sản xuất theo phương thức cũ, đơn giản dẫn đến hiệu quả chưa cao; chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đồng đều thiếu tính cạnh tranh khi đưa ra thị trường.

Nhằm giải quyết vấn đề này, rất nhiều giải pháp được địa phương đưa ra như: Tập trung khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển cây trồng theo hướng an toàn và chất lượng cao; tăng cường kiểm tra và có các biện pháp khắc phục những công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi để tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân, đặc biệt bảo đảm đủ nhu cầu nước cho cây trồng trong các giai đoạn nhạy cảm và tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa bão gây ngập úng; tăng cường cải tạo đất ngoài đồng ruộng, bón phân hữu cơ để tăng kết cấu đất...

Chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Hiền

Chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Hiền

Việc chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch sản xuất rất quan trọng và được cơ quan chuyên môn chỉ đạo chặt chẽ như: Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng dẫn người dân quy trình trồng và chăm sóc cho cây đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng phù hợp và các biện pháp phòng, chống rét, sương muối cho cây trồng vụ Đông Xuân.

Công tác chỉ đạo chuyển đổi các diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây trồng khác cho quả kinh tế; kiểm tra giám sát chất lượng, giá cả vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chủ động vật tư thiết yếu cho sản xuất Đông Xuân 2020 2021 luôn được duy trì.

Để tăng cường sự liên kết giữa các hộ cá nhân, HTX sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giải pháp hướng dẫn thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện nhằm hình thành nên các khu vực, vùng sản xuất tập trung giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho người nông dân. Ngoài ra, công tác điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sớm và chủ động phòng trừ kịp thời loại sinh vật gây hại để không làm ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng.

Sản xuất nông nghiệp Sơn La tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, bước đầu đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn liền với thị trường chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát huy lợi thế tiềm năng tạo được bước đi mang tính đột biến.

Tin khác